Phát triển ngân hàng số: Cần hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp
Tại Hội thảo Future Banking 2021 do IDG Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: Trong vài năm gần đây, ngân hàng số phát triển mạnh mẽ, hầu hết các ngân hàng đã đầu tư để phát triển ngân hàng số, nhất là khi khi xuất hiện nhiều công ty Fintech, các công ty viễn thông thì sự cạnh tranh càng trở nên quyết liệt. Việc ứng dụng ngân hàng số cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến thông qua eKYC trên điện thoại đã giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng ở tận vùng sâu mà không cần mở rộng mạng lưới chi nhánh, tiết kiệm chi phí, thời gian, thu hẹp khoảng cách.
VietinBank đã đầu tư phát triển ứng dụng ngân hàng số VietinBank iPay cho phép khách hàng mở tài khoản trực truyến và thẻ phi vật lý với đầy đủ chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiền, vay tiền, mua sắm…. Thậm chí, ứng dụng còn cá nhân hóa người dùng, gợi ý các khoản vay online và một số dịch vụ phù hợp nhu cầu khách hàng.
Với việc kết nối hệ sinh thái tới hơn 1200 nhà cung cấp như đặt phòng, mua vé, bảo hiểm, hành chính công…, khách hàng chỉ cần duy nhất điện thoại cài ứng dụng ngân hàng số là có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tài chính. VietinBank cũng cung cấp chức năng Face pay (sử dụng khuôn mặt) với độ bảo mật cao hơn… nhằm giúp khách hàng tránh bị đánh cắp lừa mật khẩu, mã OTP…và khách hàng có thể reset lại khuôn mặt trên ứng dụng mà không cần đến ngân hàng.
Về vấn đề pháp lý cho ngân hàng số, ông Lân cho biết, mặc dù đã có quy định cho phép các ngân hàng áp dụng eKYC trong việc mở tài khoản online nhưng việc triển khai vẫn gặp phải khó khăn nhất định. Hay như việc liên thông dữ liệu mang đến hiệu quả rất lớn nhưng các ngân hàng vẫn gặp khó khăn, hiện chưa có cơ chế chia sẻ.
Để tăng trải nghiệm khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn, theo ông Lân, cần tích hợp dữ liệu công dân quốc gia, cho phép các ngân hàng tiếp cận dữ liệu này để xác thực khách hàng nhanh chóng, thuận tiện, tránh việc làm giả giấy tờ, CMND, CCCD… trong việc mở tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, việc xây dựng hành lang pháp lý hoạt động cho vay online cần “cởi mở” để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay online, nhất là cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, giải pháp hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử cần đồng bộ và số hóa bởi hiện nay việc xác thực chữ ký vẫn yêu cầu khách hàng tới điểm đăng ký, dẫn tới việc ‘ngắt quãng’ trong trải nghiệm ngân hàng số.
Cùng tham gia 'cuộc đua' chuyển đổi số ngân hàng, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chia sẻ, khách hàng của ngân hàng hiện nay gia tăng trải nghiệm công nghệ số khiến các ngân hàng cần thay đổi. VIB trong thời gian qua cũng phải thay đổi nền tảng số, số hóa ngân hàng (quy trình hiện hữu, truyền thống) và ngân hàng số (cung cấp trải nghiệm khách hàng như mobile banking, smart sales…) Bên cạnh đó, ngân hàng chú trọng việc xây dựng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), open API… trong hệ sinh thái số.
VIB cũng phát triển ngân hàng số với đa dạng các sản phẩm mà khách hàng không cần tới trụ sở. Trong tương lai, VIB sẽ sử dụng điện toán đám mây, tích hợp với các dịch vụ của nhà cung cấp nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng, tăng độ hài lòng.
Đồng quan điểm về những thách thức hành lang pháp lý trong ứng dụng các nền tảng công nghệ mới, ông Trần Nhất Minh cho biết, các ngân hàng phối hợp với các Fintech sử dụng công nghệ mới trong phân tích dữ liệu, đánh giá điểm tín dụng khách hàng nhưng khi triển khai thì các ngân hàng vẫn phải sử dụng các quy định điểm tín dụng nội bộ để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Chính vì thế theo ông Minh, 'cách nhìn cũ có thể sẽ không phù hợp với công nghệ mới'.
Ông Sylvester Kinuthia – Giám đốc khối Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam thông tin, COVID-19 thúc đẩy quá trình số hóa trên toàn cầu. Tốc độ số hóa thậm chí còn rõ rệt hơn ở châu Á Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ các sản phẩm và dịch vụ được số hóa đã tăng nhanh hơn 10 năm vì COVID-19. Cùng với sự tăng tốc về số hóa, đại dịch đã gây ra sự thay đổi trong quan điểm về vai trò của công nghệ trong kinh doanh: Nếu như năm 2019, động lực quan trọng nhất của các chiến lược kỹ thuật số là tiết kiệm chi phí thì năm 2020, các động lực chính đã chuyển sang việc đầu tư để tạo lợi thế cạnh tranh hoặc tái tập trung kinh doanh xung quanh công nghệ số.
Ông Sylvester Kinuthia cho rằng, chuyển đổi số là một hành trình không có điểm cuối và 4 trụ cột chính của chuyển đổi kỹ thuật số bao gồm: Chuyển dịch nhanh chóng sang thương mại điện tử, cách mạng hóa chuỗi cung ứng và tài trợ; Tập trung vào quy trình số hóa từ đầu đến cuối; Linh hoạt trong vận hành.
Đánh giá về việc ứng dụng mã QR trong lĩnh vực ngân hàng, ông Niraan De Silva, Giám đốc điều hành Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) cho rằng, thanh toán bằng mã QR đang phát triển theo cấp số nhân với mức tăng 146% trong quý I/2021, cao hơn so với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Khách hàng ngày càng quen thuộc hơn với phương thức thanh toán này. Xu hướng này cũng được hỗ trợ bởi sự thay đổi trong hành vi mua sắm và thanh toán trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo nghiên cứu hành vi thanh toán của người tiêu dùng năm 2021 do Visa thực hiện, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR khá cao (40%) chỉ xếp sau Malaysia (50%), còn tỷ lệ quan tâm sử dụng thanh toán QR cao nhất khu vực (83%), ngang bằng với Thái Lan.
Đại diện VNPAY dự báo việc ứng dụng thanh toán bằng mã QR có rất nhiều dư địa để phát triển nhờ chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động cao cũng như dân số am hiểu công nghệ cao. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này hiện lên tới 150.000 đơn vị, trong đó có nhiều đơn vị lớn.
Theo đại diện VNPAY, mã QR có thể giúp ngân hàng có một phương thức thanh toán an toàn, nhanh và tiện lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, thu hút người dùng và tạo sự gắn kết. Bên cạnh đó, góp phần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao tính minh bạch theo mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giảm chi phí vận hành và tăng nguồn thu phi CASA.
Nguồn: https://thitruongtaichinhtiente.vn