Điện toán đám mây và ứng dụng khi triển khai tại ngân hàng
Điện toán đám mây (Cloud Computing) đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, và ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ. Việc chuyển đổi số ở các ngân hàng trong những năm qua đã mang lại cho các ngân hàng rất nhiều lợi ích và lợi thế trong cạnh tranh. Trong đó việc sử dụng điện toán đám mây và ứng dụng nó trong vận hành giờ đây đã trở thành xu hướng
1. Xu hướng điện toán đám mây và ứng dụng nó khi triển khai tại ngân hàng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra những năm gần đây đang thúc đẩy các ngành công nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải cải tiến năng lực công nghệ thông tin (CNTT) của họ để phù hợp với xu hướng phát triển chung. Các ngân hàng hiện nay đang bước vào cuộc chạy đua chuyển đổi số để tạo ra sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khả năng sử dụng, đổi mới của các tổ chức, tăng hiệu quả kinh doanh. Trong đó, Điện toán đám mây và ứng dụng nó hiện đang là một trong những xu hướng chuyển đổi số nổi bật của năm 2021.
Theo báo cáo của IDC - Tổng cục dữ liệu quốc tế, năm 2020, 57% ngành ngân hàng đã triển khai thành công ngân hàng số và chuyển đổi lên đám mây. 40% ngân hàng cho biết đang có kế hoạch chuyển đổi lên môi trường đám mây lai trong vòng 12-24 tháng. Khảo sát còn cho thấy 74% doanh nghiệp tin rằng Cloud sẽ mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh. Trong đó, 60% lãnh đạo doanh nghiệp phát biểu Cloud sẽ “mở khóa tiềm năng” cho những công nghệ đột phá.
Ứng dụng điện toán đám mây đang giúp tạo ra một cơ sở hạ tầng linh hoạt và tối ưu hóa các hoạt động CNTT trên nhiều trung tâm dữ liệu của ngân hàng
Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với dân số phát triển nhanh và ngày càng am hiểu về công nghệ số, ngành dịch vụ tài chính cũng như các ngân hàng đang đặc biệt có lợi thế so với các ngân hàng quốc tế lâu đời.
2. Lợi ích khi sử dụng điện toán đám mây và ứng dụng nó trong ngân hàng
-
Nâng cao tính linh hoạt
Hiện nay, công nghệ đang phát triển rất nhanh, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần phải thích ứng và có khả năng mở rộng để luôn tiến về phía trước. Sử dụng dịch vụ đám mây là một trong những cách giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng nâng cấp và đáp ứng nhu cầu thị trường, có thể làm tăng khả năng đổi mới của các ngân hàng bởi sự nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, điện toán đám mây cũng có thể giúp các tổ chức này phân bổ lại các nguồn lực từ việc quản lý cơ sở hạ tầng CNTT, hướng tới cải tiến dịch vụ và nhanh chóng cho các khách hàng tiềm năng.
-
Tiết kiệm chi phí
Ứng dụng điện toán đám mây giúp cắt giảm chi phí quản lý, vận hành hệ thống bằng cách tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng CNTT, đặc biệt là làm giảm yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng CNTT truyền thống. Ngân hàng sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho chi phí liên quan đến việc mua, bảo trì và sửa chữa phần cứng cần thiết cho các thiết bị lưu trữ vì tất cả những điều này đều sẽ có các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lo.
-
Cải thiện quan hệ khách hàng – ngân hàng
Đám mây cho bạn quyền kiểm soát và truy cập tốt hơn vào các nguồn dữ liệu và thông tin trong thời gian ngắn. Bạn sẽ có thêm thông tin về thói quen và sở thích của khách hàng, cho phép bạn phục vụ đúng nhu cầu của họ vào đúng thời điểm. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thể cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích về hiệu suất sử dụng, thông tin nhanh và cải thiện khả năng truy cập, giúp khách hàng tin tưởng và dễ dàng hơn trong quá trình sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.
-
Tăng cường bảo mật
Vấn đề bảo mật luôn là vấn đề được các ngân hàng quan tâm hàng đầu hiện nay. Điện toán đám mây và ứng dụng nó khi triển khai trong ngân hàng đã làm rất tốt việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng. Từ điện toán đám mây đã phát triển ra các mã xác thực OTP, Token - một trong các giải pháp bảo mật đang được sử dụng vô cùng phổ biến trong các giao dịch tài chính. Bên cạnh đó, khả năng mở rộng của đám mây giúp các ngân hàng có thể quét hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Điều này cải thiện đáng kể khả năng của các ngân hàng trong việc chống lại tội phạm tài chính như rửa tiền, gian lận tín dụng.
-
Tăng tốc độ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới
Ngân hàng sẽ mất một thời gian rất lâu, từ vài tháng thậm chí tới vài năm để có thể ra mắt được một sản phẩm mới nếu sử dụng hệ thống công nghệ truyền thống. Với việc ứng dụng điện toán đám mây trong vận hành, sản phẩm được đưa ra thị trường một cách nhanh chóng hơn, thời gian có thể chỉ mất vài tuần hoặc một vài tháng. Khi cấu hình hoặc chỉnh sửa sản phẩm, quy trình, đội ngũ kinh doanh có thể tự thực hiện mà không phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ chuyên gia công nghệ. Bên cạnh đó, công nghệ của các nhà cung cấp đám mây luôn được cập nhật để thích ứng nhu cầu công việc.
3. Khi ứng dụng điện toán đám mây ngân hàng cần lưu ý gì?
-
Thách thức trong việc thay đổi mô hình CNTT
Trên thực tế vẫn còn những rào cản đối với ứng dụng điện toán đám mây ở Việt Nam, đó là nhận thức về công nghệ này chưa đầy đủ và tâm lý ngại chuyển đổi do đã quá quen với mô hình cũ. Ngoài ra, để thực hiện chuyển đổi số, các ngân hàng rất cần đến nguồn nhân lực có đủ năng lực vận hành, phát triển các sản phẩm, dịch vụ số trên các nền tảng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các lãnh đạo ngân hàng, số lượng nhân sự có đủ kiến thức, tầm nhìn và kỹ năng hiện thực hóa công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Việt Nam chưa nhiều, trong khi thị trường lại rất rộng.
-
Lựa chọn phương thức đầu tư và nhà cung cấp
Mỗi một mô hình ứng dụng điện toán đám mây đều có ưu điểm, thách thức riêng cần được tính đến trong việc xây dựng, triển khai hệ thống hạ tầng CNTT. Không những thế, mỗi một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hiện nay cũng có những thế mạnh riêng. Ba gã khổng lồ trong lĩnh vực Cloud Computing đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đó là: Amazon Web Service, Microsoft Azure, Google Cloud Platform.
-
Công nghệ ngân hàng
Hiện nay, công nghệ ngân hàng của nước ta còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng lõi ở hầu hết ngân hàng còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn.
-
Tính bảo mật và an toàn thông tin
Đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, hiện chưa có văn bản nào "cấm" các ngân hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (ngân hàng) cần lưu ý vấn đề lưu trữ dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật An ninh mạng và tuân thủ các quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trong đó có các yêu cầu khi sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, xây dựng phương án dự phòng đối với các cấu phần của hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên.
Với những lợi ích rất lớn mà điện toán đám mây mang lại, nó ngày càng trở nên phổ biến, phát triển nhanh chóng và trở thành phương thức quan trọng trong quy trình hoạt động, vận hành đối với các ngành nghề nói chung và ngành tài chính, ngân hàng nói riêng