Chuyển đổi số, nhiều ngân hàng mới “chuyển” chứ chưa… “đổi”

Nhờ áp dụng chuyển đổi số nên ngay cả trong mùa dịch, các ngân hàng vẫn duy trì được sự ổn định, thâm chí còn gia tăng số lượng khách hàng mới và số lượng giao dịch. Nhưng có nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng ở Việt Nam mới “chuyển”, chứ chưa “đổi” trong quá trình chuyển đổi số.

1. Cuộc chạy đua chuyển đổi số

Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế tất yếu trong ngành ngân hàng hiện nay mà còn trở thành một cuộc chạy đua. Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin. Mới đây, "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của NHNN xác định mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Cuộc đua ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phải thay đổi thói quen từ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thanh toán, dịch vụ… nhằm thích nghi với chống dịch COVID-19. Nhờ số hóa, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Từ sự thúc ép phải tồn tại và phát triển trong đại dịch COVID-19 và những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn then chốt với những thách thức rất lớn


2. Thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Khoảng 80% người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt, 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng vì thế quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn đó là chi phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng tốn kém. 

Ngoài ra, các ngân hàng đang chạy đua về chuyển đổi số nhưng mức độ hiểu và thực hiện nó còn khác nhau. Nhiều người xem chuyển đổi số là một dự án công nghệ, không phải là một dự án thương mại. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang “chuyển giao” chứ không phải “thay đổi”, bởi khi thực hiện chuyển đổi số, các ngân hàng thường nghĩ rằng việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây để “chuyển nhà lên mây” trong khi đổi ở đây là phải thay đổi về quy trình, kiến trúc, cách thức vận hành ngân hàng…

 

Thêm một trở ngại nữa cho chuyển đổi số tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá rằng ngân hàng hay cậy thế “ông lớn” khiến các công ty fintech bị lép vế trong mối tương quan khi hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số. Thay vì tư tưởng “ông lớn”, các ngân hàng nên có cách tiếp cận win - win hơn nữa trong mối quan hệ với các công ty fintech…


 

3. Giải pháp nào dành cho các ngân hàng

Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đi vào thực chất, theo các chuyên gia, cả cơ quan quản lý lẫn hệ thống ngân hàng và các bên liên quan cần triển khai nhiều giải pháp.

 

Chuyển đổi số có thể tạo ra doanh thu mới và khách hàng mới từ những cơ hội mới trên nền tảng số. Do đó, các ngân hàng phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng khi xem xét chuyển đổi số. Ví dụ, trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, có bao nhiêu khách hàng mới sẽ đến từ các kênh số và nền tảng số; chi phí thay đổi như thế nào theo doanh thu. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí: vận hành, nhân lực và công nghệ thông tin. Các ngân hàng nên sử dụng khoản chi phí đã giảm này để tái đầu tư vào công nghệ số nhằm tiếp tục tạo ra những cải tiến mới và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn. Khi chuyển đổi thành ngân hàng số, việc thu hút khách hàng mới đã khó, giữ chân họ lại càng khó hơn. Vì vậy, ngân hàng cần tạo môi trường tốt để khách hàng có thể thuận lợi trong giao dịch hàng ngày. Nghĩa là các ngân hàng cần đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra sân chơi riêng, để giữ chân khách hàng bằng cách cung cấp hệ sinh thái giao dịch đa dạng nhằm đáp ứng phong phú nhu cầu của khách hàng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình từ thị trường Mỹ cho thấy hiện nay, các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ không bỏ ra một số tiền lên tới hàng triệu USD để mua phần mềm phục vụ hoạt động mà sẽ tìm đến các công ty công nghệ để thuê, vừa có chi phí hợp lý vừa khắc phục được tình trạng bị lỗi thời do không được cập nhật thường xuyên. 

 

Vì thế, nếu Chính phủ đưa ra các cơ chế rõ ràng cho phép các ngân hàng thuê dịch vụ phần mềm tại các công ty công nghệ ở Việt Nam thì đây sẽ là một hướng đi vô cùng mới cho chuyển đổi số trong ngân hàng. 

 

Chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu. Cuộc chạy đua Marathon này không chỉ đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến thuật và “sức bền” suốt cuộc đua. 

Chia sẻ mạng xã hội:

Các tin tức khác