Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi kinh tế số ứng phó với COVID-19
Sáng 28/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức tọa đàm "Kinh nghiệm quốc tế trong việc chuyển đổi kinh tế số ứng phó đại dịch COVID-19."
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Kinh tế số, trong đó tài chính số, ngân hàng số sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả hàng đầu phục hồi kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Tọa đàm nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các khuyến nghị chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác tốt hơn các nguồn lực, thúc đẩy lưu chuyển dòng vốn, hàng hóa và dịch vụ, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Quang cảnh tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về tổng quan kinh tế số ở Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế số, đặc biệt là tài chính số và ngân hàng số ở Việt Nam nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, chuẩn bị phục hồi sau đại dịch; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi kinh tế số, từ đó đề xuất chính sách cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả và bền vững.
[Phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, kinh tế số]
Trình bày tham luận về "Bối cảnh quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam," thạc sỹ Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam có hạ tầng kết nối tương đối tốt (mức độ bao phủ tốt, giá cả phải chăng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; tuy nhiên băng thông, chất lượng đường truyền lại chưa tốt).
Ngoài ra, năng lực ban hành cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh về công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn hạn chế; kỹ năng về công nghệ số chưa tốt so với các quốc gia khác; việc bảo mật thông tin cá nhân chưa đảm bảo…
Để làm chủ nền kinh tế số, bà Trần Thị Lan Hương đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam. Đó là đầu tư vào yếu tố "nền móng" gồm: con người, thể chế và công nghệ.
Để nắm bắt cơ hội mà kinh tế số mang lại cần đầu tư năng lực số trong cơ quan nhà nước, xã hội, doanh nghiệp; nâng cấp hoàn thiện thể chế thúc đẩy yếu tố sáng tạo; tận dụng năng lực tư nhân trong việc số hóa...
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư các yếu tố "tuyến đầu" gồm: kết nối (tăng chất lượng đường truyền, năng lực kết nối); tận dụng hạ tầng đám mây cho lưu trữ, phân tích dữ liệu; các quy định, khung chính sách cần cập nhật, bắt kịp xu thế phát triển công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xã hội, doanh nghiệp; bảo vệ an toàn an ninh thông tin mạng, thông tin cá nhân.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh EuroCham hoan nghênh những tiến bộ ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong Chương trình Chính phủ số năm 2020.
Trong chặng đường xây dựng Chính phủ số, các chính phủ số hàng đầu trên thế giới dựa vào tính linh hoạt, đổi mới và quy mô của điện toán đám mây nhằm giúp các công chức có những thông tin cần thiết để cung cấp các dịch vụ công tốt nhất. Các chính phủ cần tiếp cận nhanh chóng với công nghệ giúp đơn giản hóa quy trình, giảm mạnh chi phí hành chính và cho phép đổi mới để tạo ra các dịch vụ công hiệu quả và nhanh chóng.
Theo đại diện EuroCham, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, bây giờ là lúc cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2025-2030.
Với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của EVFTA và các hiệp định thương mại khác, Việt Nam cần tăng cường tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.
EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam phát triển và áp dụng các chính sách đám mây thông minh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; xem xét các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một môi trường số hóa an toàn như: công nhận các chứng thư chữ ký điện tử được cấp cho các cá nhân, thúc đẩy các chính sách ưu tiên dành cho nền tảng đám mây công cộng; công nhận, tuân thủ và bảo mật trên điện toán đám mây; phân loại dữ liệu...
Nhiều ý kiến phát biểu tại tọa đàm chỉ rõ sự xuất hiện của nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, tiếp cận thị trường toàn cầu; làm giảm giá thành, mang lại hiệu quả mới, cơ hội tăng trưởng mới nhưng cũng đưa ra những thách thức mới.
Đa số ý kiến cho rằng cần có phản ứng chính sách thích hợp, được hình thành để thích ứng với công nghệ và thực tiễn kinh doanh đang phát triển nhanh chóng liên quan đến cạnh tranh, lao động, bảo trợ xã hội, truy cập dữ liệu, quyền riêng tư, an ninh và các chính sách thuế.
Một số ưu tiên chính sách và đầu tư mà các đại biểu muốn nhấn mạnh với Việt Nam, như nhân tài; kết nối kỹ thuật số (cơ hội to lớn ở các vùng nông thôn, nơi hầu hết người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ nền kinh tế số); đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phải tăng lên; quan tâm đúng mức việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tạo ra các công ty khởi nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định kết quả của tọa đàm sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tốt cao của Quốc hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, phát triển kinh tế số, trong đó có tài chính số và ngân hàng số; là nguồn thông tin, tư liệu quý để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể, rõ ràng tới Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan./.
Nguồn: vietnamplus.vn